Học cách giao tiếp: Kiên nhẫn lắng nghe
“Biết cách lắng nghe là một kĩ năng quan trọng”: Mary Harris, một chuyên gia về nghi lễ và nguyên tắc hợp tác, bày tỏ ý kiến của mình: “Đây là một điều rõ ràng nhưng vì thường nôn nóng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình nên chúng ta chỉ thích nói mà không lắng nghe.” Do đó, hãy học cách lắng nghe. Dale Carnegie, giải thích: “Kiên nhẫn lắng nghe và khi hiểu những điều người khác đang nói với bạn và điều họ mong muốn ở bạn chứ không phải chỉ luôn luôn tập trung vào công việc của mình, bạn sẽ đạt được sự tôn trọng”.
Vận dụng cụ thể kỹ năng lắng nghe:
1. Chú ý đến sở thích của người khác.
Điều này thật sự quan trọng trong giao tiếp. Hãy nói với người mà bạn đang giao tiếp điều mà họ thích. Nó chứng tỏ rằng bạn thật sự quan tâm đến họ, bạn coi trọng họ và như thế là bạn đã thành công được một nửa rồi.
– Bất cứ khi nào một ai đó đề cập đến một kinh nghiệm hay sở thích nào đó, thay vì nhảy bổ vào cướp lời họ, “Tôi cũng đã làm rồi” hay “Tưởng gì, tôi biết hết rồi”, hãy kiên nhẫn để người khác thỏa thích nói về vấn đề đó. Bạn hãy để họ thoải mái kể lể về chuyện của họ, rồi khi thời điểm thích hợp đến, bạn hãy đề cập rằng mình cũng cùng chung sở thích đó với họ.
2. Tập trung chú ý vào người nói.
Trong khi giao tiếp ai cũng có nhu cầu được người khác lắng nghe. Để cuộc giao tiếp được khởi đầu tốt bạn hãy bắt đầu bằng một thái độ tích cực và nhẹ nhàng. Bạn có thể đứng / ngồi đồi diện với người nói nhưng hãy đảm bảo bạn đang tập trung vào điều họ nói với bạn. Điều này được thể hiện rất rõ qua ánh mắt của bạn. Thế nên hãy duy trì việc giao tiếp bằng ánh mắt một cách thường xuyên
, với nụ cười nhẹ nhàng thoải mái cũng để người nói hiểu rằng bạn đang lắng nghe họ nói. Nếu câu chuyện bạn đang kể mà có người lắng nghe như thế thì thật thích phải không?
3. Đặt câu hỏi.
Đó không chỉ là cách bạn phản hồi lại những gì bạn đã nghe được mà là cách thức bạn khuyến khích để họ nói nhiều hơn. Hãy sử dụng các câu hỏi mở, ngắn gọn để tương tác lại với người nói để họ biết là câu chuyện họ kể gây hứng thú với bạn. Hơn nữa việc đặt câu hỏi này cũng là cách để bạn thu thập thêm thông tin về họ hoặc về câu chuyện mà họ đang kể. Nhưng đừng quá lạm dụng bạn nhé, nếu không bạn sẽ trở thành một kẻ tò mò quá đấy!
– Đừng là người chỉ biết “ừ – à” vô thức. Hãy nói những câu hoàn chỉnh như “Tôi hiểu”, “Tôi hiểu ý cậu là gì”, “Đó thật là tuyệt”, “Vâng, đó là điều rất đáng làm”… Khi đáp lại bằng những câu hoàn chỉnh thay cho tiếng “ừ”, cho thấy bạn không chỉ là một người đồng cảm mà còn chứng tỏ rằng bạn thật sự hiểu những gì họ nói.
4. Hưởng ứng.
Chỉ cần một cái gật đầu nhẹ, một cái nheo mắt đúng chỗ, hay một cử chỉ ngạc nhiên sẽ giúp cuộc trò chuyện thêm hứng thú. Đừng tiếc rẻ một nụ cười gặp một câu chuyện vui bạn nhé. Cũng nên chú ý đến tư thế nữa, bạn có thể hơi ngả người về phía người nói hoặc ngồi xích lại gần…Đừng ngắt lời người nói lúc họ đang nói hãy cố gắng chờ đợi để trao đổi những phản hồi của mình.
Bất cứ ai cũng muốn được quan tâm, được lắng nghe và được chia sẻ. Đôi khi sự hời hợt, hoặc do ít nghĩ, ít biết lắng nghe khiến bạn bè xa cách bạn. Hãy thay đổi thói quen từ bây giờ nhé. Tập lắng nghe tâm sự của bạn bè, bạn sẽ hiểu hơn về quan điểm, suy nghĩ và tính cách của họ, từ đó biết thêm được nhiều điều… Hơn nữa, khi lắng nghe người khác tức là bạn đã tập cho bản thân sự kiên nhẫn, hết lòng vì mọi người… (Không phải ai cũng biết lắng nghe, do vậy, khi bạn đã kiên nhẫn ngồi im để ai đó trút hết phiền muộn trong lòng, nghĩa là bạn đã được tin tưởng và được quý mền rồi đó). Hãy bắt đầu học cách “kiên nhẫn lắng nghe” và tạo dựng nó thành một thói quen thuần thục trong giao tiếp, chắc chắn rằng, hầu hết mọi người, từ những người mới quen cho đến gia đình, bạn bè, đối tác sẽ vui vẻ dành cho bạn sự quý trọng, tràn đầy thân thiện và yêu mến.